Sa sút trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức, mà còn tác động sâu rộng đến quá trình ăn uống hàng ngày của người bệnh. Quá trình ăn uống hàng ngày của họ có thể gặp nhiều trở ngại – từ việc mất cảm giác đói, quên ăn, cho tới những rối loạn nguy hiểm như nghẹn, sặc.
Rối loạn vị giác, khứu giác và cảm giác no
Sự thay đổi cảm nhận hương vị và mùi thức ăn khiến người bệnh chán ăn, ăn ít hoặc ăn quá nhiều mà không cảm nhận được. Tác dụng phụ của thuốc điều trị như khô miệng, buồn nôn cũng góp phần làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày.
Thiếu tập trung khi ăn
Là một trong những vấn đề thường gặp. Người bệnh dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, dẫn đến việc ăn chậm, bỏ bữa hoặc không hoàn thành suất ăn.
Rối loạn nhận thức và trí nhớ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống
Người bệnh có thể quên mất đã ăn hay chưa, ăn lặp đi lặp lại, chọn món không phù hợp, thậm chí từ chối ăn uống hoàn toàn. Tình trạng mất định hướng còn khiến họ không nhận biết thực phẩm, đồ uống, dẫn đến ăn uống thiếu kiểm soát và mất cân đối dinh dưỡng.
Suy giảm khả năng tự ăn uống
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khả năng điều khiển vận động, làm cho việc dùng thìa, đũa hay cốc nước trở nên khó khăn. Người bệnh cũng có thể mất khả năng tự chọn món, không hiểu mục đích của dụng cụ, dẫn đến lệ thuộc vào sự hỗ trợ của người chăm sóc.
Rối loạn nuốt – nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng
Ở giai đoạn tiến triển, rối loạn nuốt trở nên phổ biến, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn và nguy hiểm. Người bệnh có nguy cơ cao bị nghẹn, sặc, viêm phổi hít phải, thậm chí suy hô hấp, tử vong nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời.
Ảnh hưởng từ hành vi bất thường
Những hành vi như đi lang thang, dễ mất tập trung trong bữa ăn, ăn chậm, ăn không đủ lượng cần thiết hoặc bỏ bữa. Điều này dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
Nhận biết sớm những ảnh hưởng của sa sút trí tuệ tới quá trình ăn uống, kết hợp với việc thiết kế chế độ ăn phù hợp và hỗ trợ đúng cách, sẽ góp phần cải thiện dinh dưỡng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.