Sa sút trí tuệ là một trong những vấn đề sức khỏe đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở người cao tuổi. Theo thống kê từ Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam, hiện có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi đang sống chung với sa sút trí tuệ – tương đương với khoảng 4,8–5% dân số trong nhóm tuổi này. Đây không phải là biểu hiện “tất yếu” của tuổi già mà là một bệnh lý thực sự, cần được phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt.
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm khả năng ghi nhớ, tư duy, ngôn ngữ và các chức năng nhận thức khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nhanh, khiến người bệnh mất dần khả năng độc lập và phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.
4 sự thật quan trọng về sa sút trí tuệ
1. Không phải biểu hiện bình thường của tuổi già
Suy giảm trí nhớ nhẹ do lão hóa là điều phổ biến, tuy nhiên sa sút trí tuệ là một tình trạng bệnh lý rõ ràng. Nếu người thân lớn tuổi của bạn thường xuyên quên những việc quen thuộc, khó tìm từ để nói, thay đổi tính tình, hoặc mất định hướng thời gian – hãy đưa họ đi khám chuyên khoa sớm.
Giảm trí nhớ hay các tình trạng nhận thức khác: tập trung chú ý, ngôn ngữ, khả năng sắp xếp, lặp kế hoạch do lão hóa ở người cao tuổi là một tình trạng diễn tiến rất chậm, từ từ và người cao tuổi họ có khả năng tự bù trừ tình trạng suy giảm trên nên vẫn độc lập trong cuộc sống (đường biểu diễn màu đỏ). Trong khi tình trạng bệnh lý sa sút trí tuệ (đường màu vàng, màu xanh lá cây, xanh dương), tốc độ suy giảm nhanh và người cao tuổi không tự bù trừ được khiếm khuyết này và cần người khác hỗ trợ giúp đỡ ngày càng nhiều các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.
2. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh
Sa sút trí tuệ là hậu quả của một số bệnh lý ở não bộ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, sau đột quỵ hoặc thoái hóa trán – thái dương.
- Bệnh Alzheimer: Là nguyên nhân phổ biến nhất, thường gây teo vùng não liên quan đến trí nhớ (vùng thái dương trong).
- Đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não: Làm tổn thương các vùng não quan trọng, khiến người bệnh chậm chạp, nói năng khó khăn, mất khả năng tư duy, quyết định.
- Thoái hóa trán – thái dương: Gây thay đổi tính cách, cáu gắt, bồn chồn hoặc trầm cảm quá mức. Đây có thể là những đặc điểm của tình trạng bệnh lý gọi là sa sút trí tuệ trán – thái dương khi mà vùng não chức năng thùy trán bị ảnh hưởng.
- Parkinson giai đoạn nặng: Không chỉ ảnh hưởng vận động mà còn dẫn đến chậm tư duy, hay quên.
3. Mất trí nhớ không phải là triệu chứng duy nhất
Theo Tổ chức Alzheimer Thế giới, triệu chứng sa sút trí tuệ rất đa dạng có thể biểu hiện qua 10 dấu hiệu bao gồm:
– Khó lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề
– Khó hoàn thành công việc quen thuộc
– Gặp vấn đề về ngôn ngữ
– Mất định hướng không gian và thời gian
– Giảm khả năng đánh giá tình huống
– Giảm khả năng quản lí cuộc sống
– Quên chỗ để đồ
– Thay đổi tâm trạng và hành vi
– Khó khăn trong hiểu thông tin về thị giác và không gian
– Giảm hứng thú với công việc và các hoạt động xã hội
Các biểu hiện khác có thể bao gồm lẫn lộn thời gian, thay đổi tính tình, giảm khả năng phán đoán, rối loạn ngôn ngữ, và mất khả năng hoàn thành công việc đều có thể là bệnh sa sút trí tuệ.
4. Điều trị sớm giúp làm chậm tiến triển của bệnh
Các biện pháp can thiệp như kích thích nhận thức, phục hồi chức năng não bộ, kích thích từ trường xuyên sọ hiệu quả tốt nhất khi được can thiệp sớm.
- Rèn luyện trí não: Các hoạt động kích thích tinh thần như đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ, làm các bài tập nhận thức tại nhà có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và làm giảm tác động của bệnh.
- Hoạt động thể chất và xã hội: Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của bệnh.
- Kích thích từ trường xuyên sọ: Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại tại nhiều vùng não: Broca, Wernicke, vỏ não đính trái – phải, vùng trước trán sau bên (DLPFC) trái và phải trong vòng 6 tuần liên tục kèm tập luyện nhận thức trên người bệnh suy giảm nhận thức nhẹ hoặc Sa sút trí tuệ do Alzheimer giai đoạn nhẹ giúp cải thiện tình trạng nhận thức.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
- Giấc ngủ chất lượng: Ngủ đủ và ngon giấc 8 tiếng mỗi đêm giúp thần kinh và trí não khỏe mạnh cũng như tránh nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Tầm soát sa sút trí tuệ không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh mà còn mở ra cơ hội điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi. Việc chăm sóc đúng cách, phối hợp cùng chuyên gia, gia đình và cộng đồng là yếu tố then chốt trong hành trình đồng hành cùng người bệnh.
🔎 Đừng để sa sút trí tuệ âm thầm tiến triển. Hãy chủ động nhận diện sớm, tầm soát định kỳ và hành động kịp thời để bảo vệ người thân yêu của bạn.